Đi tiên phong trong thể loại game online tăng cường thực tế ảo (AR), cùng với hình ảnh Pokemon gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 8X, 9X, không khó hiểu khi Pokemon Go đang “làm mưa làm gió” trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, việc người trẻ cắm mặt vào điện thoại đến nỗi quên hết mọi thứ xung quanh không chỉ hại mắt, lãng phí thời gian, bị cướp tài sản, chấn thương, mà thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng.
Những cái chết bất ngờ
Sau hơn một tháng phát hành, có ít nhất 5 vụ thiệt mạng vì chơi Pokemon Go. Sự việc đáng tiếc đầu tiên xảy ra vào hôm 20/7. Nạn nhân là Jerson Lopez de Leon, 18 tuổi, sống tại thành phố Chiquimula, Guatemala.
Theo Daily Mail, Jerson cùng người em họ - Daniel Moises Picen (17 tuổi) - săn Pokemon dọc đoạn đường sắt, không may bị một nhóm người xấu bắn 20 phát đạn. Jerson tử vong tại bệnh viện, còn Picen bị thương nặng ở chân.
Cảnh sát địa phương nhận định, động cơ của những kẻ thủ ác có thể xuất phát từ tư thù cá nhân hoặc ý định cướp tài sản của nạn nhân xấu số.
Hai anh em Leon (trái) và Picen bị kẻ xấu bắn 20 phát đạn khi đang chơi Pokemon Go hôm 20/7. |
Hơn 2h sáng ngày 29/7, Tanami Nayler - 22 tuổi, sống tại thành phố Melbourne, Australia - bị một chiếc Toyota Corolla vượt đèn đỏ, chạy với vận tốc 100km/h đâm và kéo lê 70 m trên đường.
Vụ va chạm quá mạnh khiến 9X thiệt mạng tại chỗ. Kẻ gây tai nạn lập tức bỏ xe lại, rời khỏi hiện trường. Cô bạn đi cùng Tanami khai với cảnh sát, họ vừa chơi Pokemon Go vừa băng qua đường lúc sự việc đáng tiếc xảy ra.
Phía cảnh sát cho hay, tên lái xe đã trộm chiếc ôtô, đang trên đường tẩu thoát với tốc độ cao thì tông trúng nạn nhân. Kẻ sát nhân 21 tuổi bị bắt ngay sau đó.
Nối tiếp chuỗi án mạng thương tâm, khoảng 21h-22h ngày 6/8 tại công viên Aquatic Park (ở San Francisco, Mỹ), ngôi sao bóng chày Calvin Riley (20 tuổi) chết dưới họng súng của kẻ lạ khi săn Pokemon.
Người bạn cùng nhóm chơi Pokemon Go với nạn nhân cho biết, anh trông thấy kẻ khả nghi đứng quan sát mọi người ở gần đó. Song vì mải bắt thú ảo, không ai để ý đến hắn cho tới khi sự việc đau lòng xảy ra.
Thậm chí, cảnh sát thị trấn Imbé, miền nam Brazil còn cáo buộc Pokemon Go gây ra vụ chết đuối của bé trai 9 tuổi vào ngày 9/8. Dù phụ huynh nạn nhân bác bỏ nghi ngờ đó, cơ quan chức năng vẫn không loại trừ khả năng game đình đám này có liên quan đến vụ án.
Nếu phán đoán của cảnh sát chính xác, họ kiên quyết khởi kiện công ty Niantic - nhà sản xuất Pokemon Go - bởi không giới hạn độ tuổi người chơi và gây ra tai nạn trên toàn thế giới, theo Reuters.
Nạn nhân Calvin Riley (giữa) chụp ảnh cùng người thân tại lễ tốt nghiệp trung học. |
Chưa dừng lại ở đó, ngày 10/8 vừa qua, diễn đàn gần 600.000 thành viên của Campuchia đăng tải hình ảnh ghê rợn về một cô gái nằm gục mặt trên vũng máu.
Theo diễn đàn trên, nạn nhân tử vong tại chỗ do bị xe tải tông, khi đang mải bắt Pokemon ngay giữa đường phố đông đúc. Vụ việc nhận được gần 16.000 chia sẻ cùng hàng nghìn bình luận trái chiều từ phía cộng đồng mạng.
Công ty phân tích App Annie cho biết, tính đến nay, Pokemon Go được tải tới hơn 100 triệu lượt. Giới trẻ chính là đối tượng chơi game này đông đảo nhất.
Trường học: chỗ cấm đoán, nơi hỗ trợ game thủ
Trường học là nơi đặt nhiều Pokestop, phòng gym - hai địa điểm cần thiết để bắt và huấn luyện Pokemon. Vì thế, khuôn viên các trường nhanh chóng thu hút nhiều game thủ.
Sức lan tỏa của Pokemon Go đem lại phản ứng trái chiều từ các trường học trên thế giới. Trong khi nhiều trường ban hành lệnh cấm, những nơi khác lại hỗ trợ người chơi nhiều nhất có thể.
Ở châu Á, Bộ Giáo dục Malaysia đi tiên phong trong việc cấm học sinh chơi Pokemon Go trong trường kể từ ngày 7/8, theo Straits Times. Tại Indonesia, việc ban hành lệnh cấm tương tự đang được xem xét.
Sau lời kêu gọi từ phụ huynh học sinh, Bộ Giáo dục Đài Loan cũng cân nhắc việc ngăn chặn trò chơi phổ biến này. Ngay tại quê hương của Pokemon Go (Nhật Bản), nhiều trường học không những cấm, mà còn tuyên bố sẽ đuổi học những học sinh, sinh viên chơi tại trường.
Tương tự, lãnh đạo nhiều trường học ở châu Âu cũng có biện pháp nhất định nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy đến với game thủ.
Đại học Wellington (Anh) đặt biển cấm người chơi không xâm phạm khuôn viên trường để bắt Pokemon. Đại học Ozards (Mỹ) ra thông báo cấm người dân vào trường săn thú ảo.
Sinh viên vẫn được tham gia, song phải tránh xa các đài tưởng niệm và trung tâm Keeter. Thậm chí, Đại học Ozards còn yêu cầu Niantic gỡ bỏ toàn bộ Pokestop trong khuôn viên trường.
Tấm biển cảnh báo với nội dung: "Không được vào chơi Pokemon Go. Tài sản cá nhân" được đặt trong khuôn viên Đại học Wellington (Anh). |
Nhẹ nhàng hơn, một số trường đại học, cao đẳng ở thành phố Springfield (Mỹ) chỉ khuyến cáo sinh viên tỉnh táo khi chơi Pokemon Go và giữ phép lịch sự với game thủ khác.
Tuy nhiên, thay vì ban hành lệnh cấm, nhiều trường đại học ở Mỹ như Harvard, Eastern Kentucky, William & Mary... lại kêu gọi người chơi vào trường bắt Pokemon thông qua mạng Twitter.
Thậm chí, Đại học Quốc tế Florida còn phát đồ ăn nhẹ cho game thủ. Đại học American cung cấp bản đồ chi tiết 30 địa điểm nhiều Pokemon cũng như vị trí phòng gym được đặt trong trường.
Lạ lùng hơn, Đại học Idaho sẽ mở khóa học về Pokemon Go vào thời gian tới. Sinh viên chỉ cần đi loanh quanh trong trường, thu thập Pokeball và tìm kiếm Pikachu, Jigglypuff, Snorlax... sẽ được cấp chứng chỉ.
“Khóa học có tác dụng mang lại lối sống năng động, tăng cường khả năng hoạt động nhóm, cũng như cải thiện kiến thức cộng đồng cho sinh viên” - đại diện nhà trường cho hay.
Hãy là người chơi có ý thức
Không thể phủ nhận những hiểm họa trông thấy của Pokemon Go. Song nếu suy xét kỹ, chính con người mới tự biến trò chơi thành thảm họa.
Nhà sản xuất Pokemon Go đã đặt Pokestop tại những danh lam thắng cảnh, người chơi phải đi bộ 10 km mới ấp được trứng... Chắc chắn, họ không muốn game thủ quá mải mê săn thú, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Trò chơi tích cực hay tiêu cực hoàn toàn do người sử dụng. Hãy là “thợ săn” văn minh và có ý thức: không bắt Pokemon khi tham gia giao thông, không cắm mặt vào điện thoại thay vì quan sát xung quanh, không xâm phạm nhà riêng hay địa danh chỉ vì thú ảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét