THẤT BẠI 1: Để lạc mình trong mơ hồ
Có nhiều yếu tố để coi năm nhất như một bước ngoặt lớn trong số những bước ngoặt quan trọng của cuộc đời mỗi người. Đó là khi chúng ta bắt đầu “tự”: tự quyết định những câu hỏi liên quan đến bản thân, tự chịu trách nhiệm về những việc mình làm, tự trải nghiệm, tự sống và tự cam kết với bản thân về tương lai. Chúng ta nhận được ít quan tâm hơn, lo toan nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn. Ấy là khi chúng ta có cơ hội để trưởng thành hơn. Quan trọng hơn cả, chúng ta cần nỗ lực để tìm hiểu câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng trong cuộc đời như: Thực chất mình thích gì? Mình sống vì điều gì? Mình nên sống thế nào? Mình muốn hướng đến một cuộc sống thế nào?
Nhưng nhiều em sinh viên năm nhất bỏ qua những câu hỏi đó, sống trong sự mơ hồ. Các em phân vân về cuộc đời nhưng rồi chấp nhận bỏ ngỏ những câu hỏi đó. Để rồi hậu quả là nhiều bạn thả rơi cuộc sống của mình trong một đống mơ hồ. Sự bàng quan ấy dần dà tạo nên một cuộc sống mờ nhạt và đầy bứt rứt. Cuối cùng, các em không biết mình đi đâu, đang đứng ở đâu và sẽ đến đâu.
Một cuộc sống mơ hồ là một cuộc sống nhàm chán.
THẤT BẠI 2: Để thời gian trôi đi lãng phí
Lên đại học, có một bài học mà nhiều anh chị nhận ra và mong muốn các em ghi nhớ: “Thời gian còn rất ít”. Các em đừng nghĩ các em còn nhiều thời gian, đủ để mình cứ thong thả, giải lao đi rồi sẽ chạy sau. Cho dù các em có cả thế kỷ, nhưng vẫn giữ suy nghĩ thế sớm muộn gì cũng tới ngày các em ân hận.
Đại học chỉ 4, 5 năm nhưng có quá nhiều thứ để chúng ta làm. Từ việc bổ sung cái thiếu cho đến hoàn thiện bản thân mình để mang lại giá trị cho tổ chức sau này chúng ta cống hiến. Thời gian ấy sẽ là quá ngắn đặt trong môi trường giáo dục nặng lý thuyết, thiếu thực tế.
Năm nhất, nhiều em mắc phải bệnh để thời gian trôi đi vô thưởng vô phạt. Những lịch hẹn các em bỏ dở, những việc đáng lẽ hôm nay các em làm thì lại dời sang ngày mai, ngày kia rồi dời vào quên lãng. Có nhiều thứ cuốn hút các em như phim ảnh, bạn bè, game online, truyện ngôn tình, v.v.v… để các em quên mất những việc cần phải làm. Đôi khi các em thức trắng một đêm nhưng để chơi game, đọc truyện. Lên đại học và có lẽ đến hết thời gian học đại học có lẽ nhiều em không đọc thêm một cuốn sách nào cả.
Như vậy có phải là các em sử dụng thời gian đúng cách hay không?
THẤT BẠI 3: Dành quá nhiều thời gian xả hơi đầu năm học
Nhiều sinh viên năm nhất đã từng nghĩ rằng lên đại học là để xả hơi. Cho nên năm nhất của đa phần mọi người gắn liền với việc đi chơi, ăn chơi nhảy múa. Lại cộng thêm sự ủng hộ từ các bậc đàn anh, đàn chị cho rằng “Học đại học nhàn lắm” cho nên năm nhất thường không quan tâm nhiều đến bài vở. Năm nhất cũng quên mất xác định cho mình những mục tiêu trong thời gian học đại học, hoặc có xác định rồi cũng vứt đấy.
Kết quả là nhiều bạn vì xả hơi nhiều quá, đến khi muốn quay về với nhịp độ học tập, rèn luyện cân bằng thì lại thấy thật khó khăn. Nhưng điều nguy hiểm nhất là nhiều bạn từ lối sống xả hơi đã đánh mất mục đích của mình, quên mất mình cần phải làm gì.
Chính vì dành quá nhiều thời gian để xả hơi, thời gian dành cho những mối bận tâm khác về học tập, rèn luyện, phát triển bản thân bị bỏ qua. Hậu quả trực tiếp là điểm số thấp, bản thân thiếu kỹ năng, trải nghiệm sống nghèo nàn. Hậu quả sâu xa là các em sẽ bị những người xung quanh bỏ xa. Để đến khi muốn thay đổi lại không biết bắt đầu từ đâu.
THẤT BẠI 4: Không làm mới và bổ sung bản thân
Nỗ lực học tập tập trung cho kỳ thi đại học đã làm cho các em bỏ sót việc bổ sung những kỹ năng cần thiết khác trong cuộc sống. Vì vậy, lên đại học, việc cần làm của các em là tìm hiểu xem có những thứ gì cần bổ sung cho đủ. Đó là kỹ năng mềm, kiến thức, ngoại ngữ, và vô số thứ khác nữa.
Nhưng tâm lý xả hơi và sự mơ hồ về mục tiêu tương lai đã làm cho nhiều em quên mất điều đó. Các em không bỏ thời gian tìm hiểu bản thân và không có kế hoạch bổ sung điểm khuyết thiếu cho cá nhân.
Nhiều người bào chữa rằng những kỹ năng đến năm 3, năm 4 bổ sung cũng chưa muộn. Tuy rằng kỹ năng là điều có thể học tập và rèn luyện được nhưng các em cần một thời gian đủ dài để rèn dũa mọi thứ. Cuộc sống cần nhiều thứ ở con người, không có cá nhân nào có thể khẳng định rằng mình có đầy đủ hết các kỹ năng cần thiết. Những người xuất sắc nhất là những người luôn nhận mình yếu, thiếu và luôn nỗ lực không ngừng nghỉ để bổ sung.
Nhiều bạn trải qua năm nhất mà không đọc nổi 1 cuốn sách, không nghiên cứu về chủ đề mới nào, không bổ sung thêm kỹ năng cho mình, kiến thức xã hội không được cập nhật. Đối với các bạn ấy, năm nhất là những trận chiến game thâu đêm không mệt mỏi hoặc những bộ truyện diễm tình miên man.
THẤT BẠI 5: Mất niềm tin vào những thứ tốt đẹp
Năm nhất, có lần anh từng bị lừa. Do hăm hở tìm công việc làm thêm kiếm tiền nên anh đã bị dỗ ngọt mất đi một khoản tiền kha khá lúc đó. Thời gian sau đó, gần như anh không dám nghĩ đến việc tìm kiếm công việc làm thêm nữa.
Năm nhất, các em có thể đã bị lừa một vài lần như thế. Các em còn được nghe bảo rằng: Học chả làm được gì, sinh viên ra trường thất nghiệp ầm ầm, không phải con ông cháu cha thì bó tay, v.v.v… Nhiều người kể cho các em nghe những câu chuyện ảm đạm về cuộc sống, về tương lai. Và rồi các em dần dần nhìn cuộc sống một cách thật tiêu cực. Từ một người hăng hái, sáng tạo, dũng cảm, thích xông pha, trải nghiệm, các em sống khép mình lại.
Cuộc sống không bao giờ đơn sắc cả. Có cả sắc màu sáng tươi hòa cùng những sắc màu đen tối. Quan trọng nhất vẫn là thái độ sống của chúng ta. Khi chúng ta vẫn còn tin vào những thứ tốt đẹp thì những thứ tốt đẹp vẫn còn tồn tại. Vả lại, chính chúng ta vẫn có thể là một điều tốt đẹp đúng không các em?
THẤT BẠI 6: Mất đi sự tin tưởng của những người xung quanh
Điều may mắn nhất trên đời là khi chúng ta được tin tưởng. Các em có được tin tưởng hay không? Khi còn được tin tưởng nghĩa là cuộc sống vẫn cần sự hiện diện của các em, chúng ta vẫn tồn tại một cách có ý nghĩa.
Khi các em bước qua cánh cửa vũ môn để trở thành tân sinh viên, các em nhận được rất nhiều sự tin tưởng. Đó là niềm tin của thầy cô, bạn bè, người quen, họ hàng. Và là niềm tin từ những người các em yêu quý như cha mẹ. Cũng là niềm tin của chính các em với bản thân mình.
Nhưng năm nhất, nhiều em lần lượt bỏ rơi đi niềm tin mà các em đã nhận được. Các em sống buông lơi, bỏ bê học tập, không phấn đầu vì tương lai phía trước. Những thứ khác mất đi có thể dễ dàng lấy lại nhưng niềm tin một khi mật đi thật khó tìm lại, hãy nhìn lại bản thân. Không dễ gì để được tin tưởng nên đừng dễ dàng đánh mất đi niềm tin và sự kỳ vọng dành cho các em.
THẤT BẠI 7: Quá dễ dãi với bản thân
Có câu nói rằng: “Những thói xấu ban đầu là người khách lạ qua đường, sau đó là người bạn thân ở chung nhà và kết cục trở thành ông chủ khó tính”.
Hồi trước khi bước vào những ngày đầu tiên của cuộc đời đại học, ai cũng từng nghĩ mình sẽ cố gắng phấn đấu hết mình. Và trong đó không quên hình dung về một con người mới với những thói quen mới.
Nhưng chính sự tự dễ dãi với bản thân đã làm cho chúng ta quên đi rất nhiều thứ. Chúng ta quen dần với những thói xấu như trễ hẹn, thất hứa, trì hoãn. Chúng ta càng ngày càng không lo lắng nhiều về cuộc sống của chính mình. Chúng ta tự cho mình quyền nói “Không sao đâu, lo gì”. Từ những thứ xấu, chúng ta kết nạp chúng và biến thành những thói quen ăn ở cùng chúng ta. Con người chúng ta ngày càng xấu xí hơn.
THẤT BẠI 8: Ngại giao tiếp, sống khép mình
Chấp nhận môi trường mới và cố gắng để môi trường mới chấp nhận là 2 bài toán của những cô cậu tân sinh viên. Chân ướt chân ráo bước vô môi trường mới không có sự kèm cặp quen thuộc, các em thấy mọi thứ đều lạ lẫm: những người bạn cùng lớp, thầy cô, những người mà hằng ngày các em tiếp xúc. Nhiều em luôn cố gắng để hòa nhập vào môi trường mới bằng những nỗ lực như năng nổ làm quen, chia sẻ, tích cực tham gia các nhóm, hội để học cách sống hòa đồng. Những bạn ấy ắt hẳn sẽ nhận được nhiều thứ có giá trị.
Nhưng cũng không ít em ngại làm quen, ngại giao tiếp, ngại nói chuyện, kể cả đối với những người ngày ngày mình tiếp xúc, kể cả những người bạn cùng lớp, cùng chỗ ở. Các em ngày càng tách mình ra để trở thành một người không có nhiều kết nối, ít bạn bè.
Cũng có nhiều em đã cố gắng sống cởi mở nhưng môi trường mới lại từ chối mình, mọi người không đáp lại mình hoặc đáp lại bằng thái độ không như mong muốn dẫn đến các em bỏ cuộc. Đừng như vậy, trên đời luôn có những thứ thuận lợi và có những thứ khó khăn. Nếu các em cố gắng mà vẫn chưa được chấp nhận, mọi người vẫn chưa mở đáp lại em thì em hãy tiếp tục tìm kiếm vì chắc chắn sẽ có những người gắn kết với các em vì họ sẽ nhìn thấy thiện tình toát lên ở các em. Người bỏ cuộc sớm sẽ bỏ qua rất nhiều thứ quý giá, cho nên hãy kiên nhẫn và mạnh mẽ nhé.
THẤT BẠI 9: Nghĩ rằng mình không còn cơ hội để thay đổi
Thất bại là xấu xa? Thất bại là trở ngại? Sự thật không phải vậy. Hiếm ai trên đời lại không trải qua những thất bại. Có thất bại mới có thể có được sự bứt phá. Nhưng cái cốt lõi là chúng ta thừa nhận thật bại của mình và cố gắng để chống lại những thất bại đó.
Không bao giờ lại quá muộn để bắt đầu một thứ gì cả, nếu các em vẫn còn niềm tin. Hi vọng các em hiểu được rằng, mình vẫn còn cơ hội để sửa sai. Những thứ trong năm nhất các em chưa làm tốt, hãy học cách để làm lại, để trưởng thành, để xóa tan hình ảnh cũ của mình và kiến tạo một con người tích cực.
Rồi các em sẽ gặp thật bại nhiều lần. Nhưng thất bại đáng sợ nhất là các em bỏ cuộc trước thất bại, lúc đó mọi cánh cửa các em đã tự khóa chặt.
Với một sinh viên vừa trải qua năm nhất, ai dám bảo rằng các em không thể tốt hơn. Trước mắt là con đường để các em đi. Chúng ta không biết tương lai như thế nào nhưng nếu không nỗ lực chắc chắn chúng ta không thể đạt được điều tốt đẹp.
Đừng quên các em vẫn còn trẻ, mà khi còn trẻ chúng ta vẫn còn nhiều thứ để tự hào về bản thân. Hãy dùng những thứ đó để bứt phá nhé. Sự dẻo dai của bản thân, sự nhiệt tình, trách nhiệm với bản thân, sự hăng say, niềm đam mê. Chúng ta đều nắm trong tay đúng không?
THẤT BẠI 10: Quen dần với sự tầm thường
Thời gian đôi khi có một tác dụng khá tai hại là làm cho con người chấp nhận được những thứ mà đáng lẽ họ không nên chấp nhận. Kỳ đầu tiên, nhiều em sinh viên năm nhất có thể đã rất kinh ngạc và thất vọng khi nhận điểm những môn thi đầu tiên của thời sinh viên. Thực sự đó là những kết quả khó tưởng tượng và khó chấp nhận. Thế rồi thêm một kỳ nữa, các em trượt một số môn, các em có buồn và thất vọng nhưng không còn thấy cắn rứt như trước. Đến 1 kỳ nữa, các em thấy đó là chuyện thường tình.
Dần dần, các em không còn tự trách bản thân mình nữa. Nếu trước đây các em căm tức chính mình khi thất bại, khi không nỗ lực hết mình thì đến nay, các em tìm các lý do để đổ lối, để quên đi cảm giác tự kiểm điểm, để bỏ qua và vô tư nhởn nhơ như không có chuyện gì.
Và thế rồi, các em sống trong sự tầm thường. Và sự tầm thường lớn nhất là sống với sự hèn nhát và thiếu nghiêm khắc với bản thân. Các em đã quen như thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét